Bi kịch
Những năm qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em đặc biệt được nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em vẫn không ngừng tăng lên.
Theo Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trẻ em có thể bị xâm hại bởi bất kỳ ai. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em rất đa dạng gồm cả những quen, người thân và người xa lạ với trẻ. Trong đó phần lớn là người trong gia đình, họ hàng và người quen với nạn nhân.
Thủ đoạn của các đối tượng này cũng ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, các đối tượng chủ yếu lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc lợi dụng sự bất cẩn của cha mẹ để dụ dỗ, đe dọa và thực hiện hành vi phạm tội.
Cũng theo Vụ Gia đình, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích, người quen biết với trẻ chiếm phần lớn, đang có xu hướng gia tăng. Và, bi kịch của chị H.T.T.T. (SN 1978, quận Tân Phú, TP.HCM) là một ví dụ điển hình.
Trước khi xảy ra sự việc con gái 5 tuổi của mình nhiều lần bị hàng xóm xâm hại, chị T. và 2 con gái sống trong một dãy trọ trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình, TP.HCM. Là mẹ đơn thân, chị T. xem những người chung dãy trọ như người thân.
Thế nhưng lợi dụng việc chị dành nhiều thời gian bán nước giải khát ở đầu hẻm, để con gái 5 tuổi ở phòng trọ một mình, đối tượng Nguyễn Văn Chín đã thực hiện hành vi xâm hại bé.
Chị kể: “Đó là ngày 14/4/2019, tôi được con gái lớn kể bé Nh. (con gái nhỏ, 5 tuổi của chị T.) bị ông Chín làm bậy. Hôm đó, bé Nh. đang ở trong phòng tô màu.
Chín chạy xe ôm về, thấy con tôi ở nhà một mình nên vào phòng, khóa trái cửa rồi xâm hại bé. Chín vào phòng trọ 10 phút rồi trở ra. Sự việc được camera ở hành lang ghi lại”.
Phát hiện sự việc, chị T. sững sờ, đau đớn tột độ. Sau nhiều đắn đo, chị đưa con đến cơ quan chức năng trình báo. Tuy nhiên, bi kịch chưa dừng lại ở đó. Tại đây, chị bàng hoàng khi được thông báo, bé gái từng bị nhiều đối tượng xâm hại trong một thời gian dài.
Sau buổi làm việc với cơ quan điều tra, chị T. trở về phòng trọ trong nỗi uất nghẹn. Ít lâu sau, khi con bình tĩnh trở lại, chị nhẹ nhàng tìm hiểu và được bé gái chia sẻ có 3 người đàn ông dùng nhiều cách để xâm hại.
“Con đã kể những điều khủng khiếp mà tôi không thể tưởng tượng nổi. Lúc đó, tôi chỉ muốn tống những tên đàn ông ác độc ấy vào tù. Dẫu vậy, mọi chuyện đã xảy ra quá lâu, không còn bằng chứng.
Ngoài tên Chín có đầy đủ bằng chứng, những người khác đều vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Mỗi khi nhớ đến chuyện này, lòng tôi lại đau như thắt”, chị T. nói trong nước mắt.
Từ nỗi đau ấy, chị quyết định tìm cách bảo vệ con và những đứa trẻ đồng trang lứa. Chị tìm hiểu và trang bị những kỹ năng sống, chống xâm hại cho các con. Chị cũng lên tiếng, công khai chuyện đau lòng của mình như một cách cảnh tỉnh các bậc cha mẹ có con nhỏ khác.
Trong khi đó, vì từng chịu nỗi đau bị xâm hại, chị N.H.L.A. (SN 1989, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng quyết liệt tìm cách bảo vệ con gái 8 tuổi của mình. Ngoài việc cố gắng theo sát, để ý con, chị còn mời chuyên gia tâm lý đến nhà để dạy con kỹ năng phòng chống xâm hại.
Tạo lá chắn
Chị L.A. tìm hiểu và biết thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Tâm lý – Giáo dục An Nhiên (TP.HCM) là người hết lòng bảo vệ trẻ em qua hàng ngàn lớp dạy trẻ về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường… trên mọi miền đất nước. Chị quyết định mời chuyên gia này về dạy chủ đề trên cho con mình.
ThS. Lê Minh Huân tiết lộ, phụ huynh này từng bị người thân sống cùng nhà xâm hại từ khi còn rất nhỏ. Quá khứ bị người thân xâm hại khiến chị L. A. phải trải qua những nỗi đau tinh thần lẫn thể chất rất lớn.
Đáng buồn hơn, vì không dám chia sẻ với ai, chị giấu kín sự việc và âm thầm chịu đựng nỗi đau ấy một mình. Để chống chọi với những đêm mất ngủ, “nhắm mắt là thấy hình bóng, cảnh bị xâm hại” chị phải sử dụng thuốc an thần suốt một thời gian dài.
L.A. sử dụng thuốc nhiều đến nỗi khi vào đại học, chị phát hiện tác dụng phụ của các loại thuốc này khiến cơ thể mình xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, chị bị chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Để duy trì sự sống bên chồng và đứa con gái bé bỏng, chị phải nhập viện lọc thận thường xuyên.
Khi biết sự sống của mình chỉ còn tính từng ngày, chị L. A. đau đớn tột cùng. Chị biết mình không còn nhiều thời gian để bên cạnh, chăm sóc, bảo vệ con nên dành mọi ưu tiên cho con gái và tìm cách dạy con tự lập.
Rồi chị nhận ra những biến cố của cuộc đời mình đều xuất phát từ nỗi đau bị xâm hại khi còn nhỏ. Chị cũng biết rằng chính cách đối diện với sự thật nghiệt ngã bằng việc im lặng, chịu đựng, để quá khứ giày vò bản thân đã đẩy cuộc đời mình đến ngõ cụt.
Không muốn con gái phải đối mặt với nỗi đau mà mình từng nếm trải, chị quyết định tạo lá chắn cho con. Chị cho bé tìm hiểu, học các kỹ năng chống xâm hại.
Thạc sĩ Lê Minh Huân chia sẻ: “Chị lo lắng sau khi mất, gia đình sẽ không còn ai hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ con trước nguy cơ bị xâm hại.
Thế nên, khi biết tôi tổ chức dạy các tiết học với chủ đề phòng chống xâm hại trẻ em, chị ấy đã đưa con gái 8 tuổi của mình đến tham gia. Sau đó, chị còn ngỏ lời mời tôi về nhà dạy cho con gái và các bạn của con mình”.
Chị cũng liên hệ, đặt vấn đề với ban giám hiệu nhà trường mời Ths. Huân đến dạy phòng chống xâm hại cho học sinh ở trường mà con gái đang đang học.
Hiện nay, ThS. Huân nhận được nhiều lời đề nghị đến tận nhà dạy phòng chống xâm hại trẻ từ các bậc phụ huynh. Đặc biệt, một số phụ huynh có điều kiện còn tình nguyện mở lớp, biến nhà, vườn, quán nước… của mình thành lớp học để Huân giảng dạy cho trẻ.
“Nhiều phụ huynh ở xa còn bày tỏ nguyện vọng, mong muốn tôi mở lớp học phòng chống xâm hại trẻ em trực tuyến.
Tôi rất vui và trân trọng trước sự tha thiết này của nhiều bậc cha mẹ. Điều này chứng tỏ họ ý thức rất tốt và đánh giá cao việc giáo dục con, trang bị kỹ năng sống, giúp con biết bảo vệ mình và người khác trước vấn nạn xâm hại diễn tiến ngày càng phức tạp hiện nay”, nam thạc sĩ chia sẻ.
Chia sẽ thông tin từ: Vietnamnet ( https://vietnamnet.vn/mai-me-ban-nuoc-me-bang-hoang-nghe-con-gai-5-tuoi-ke-bi-3-ga-trai-xam-hai-2206420.html )