Sáng 6/11, Quốc hội mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về giám sát chuyên đề với các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.
Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu), Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi về việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với xe máy.
Theo bà Phúc, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp. Việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu là để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ có giải pháp gì để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy thực sự phát huy được ý nghĩa và mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người dân?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc. Thời gian qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64%, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn, lên tới 2.300 tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy.
“Người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng đến tính mạng, thì bảo hiểm được chi trả tối đa là 150 triệu, xe hư hỏng thì chi trả tối đa 50 triệu”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, để thuận lợi hơn cho chi trả, Nghị định 67 đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người dân bị tai nạn. Nếu bị ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không bị ảnh hưởng tới tính mạng thì chỉ cần có tư liệu ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết các thủ tục cần thiết để được hưởng bảo hiểm.
Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy nên để người dân tự giác chứ không nên bắt buộc. Theo ông Hoà, “như vậy mới sòng phẳng” đồng thời cho rằng chỉ nên quy định bắt buộc mua bảo hiểm trong danh mục bắt buộc.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho hay, qua tiếp xúc cử tri, nhiều chủ sở hữu xe máy phản ứng và phản ánh nhiều liên quan tới quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
“Số tiền bỏ ra để mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy chỉ có mấy chục nghìn đồng thôi, không phải là nhiều nhưng hàng triệu chiếc xe máy đó thì lại biết bao nhiêu tiền.
Tôi đề nghị nên bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy, bởi vì điều này rất hình thức và chỉ có lợi cho cơ quan bảo hiểm chứ người dân thì thấy thủ tục để hưởng bảo hiểm thường rất rườm rà, nhiêu khê”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, “bỏ hay giữ” việc bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với người sở hữu xe môtô, xe máy, cần có sự rà soát cụ thể. Bởi tất cả chính sách phải xuất phát từ nhu cầu thực tế.
“Tôi cho rằng, phải rà soát xem trong thời gian qua, chúng ta quy định bắt buộc như thế thì hiệu quả của việc này đến đâu. Một ngày, chúng ta thấy có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, số phương tiện bị hư hỏng nhiều thì trong các vụ đó giải quyết, hỗ trợ được bao nhiêu vụ”, đại biểu Nga nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, vào đầu tháng 9/2023, trong kiến nghị gửi Bộ Giao thông vân tải, cử tri TP Hồ Chí Minh cho biết: “Theo điểm a khoản 2 Điều 21 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về việc xử phạt vi phạm trên lĩnh vực giao thông có mức xử phạt với xe môtô, xe gắn máy không mua bảo hiểm tự nguyện khi vi phạm giao thông với mức phạt 150.000 đồng.
Tuy nhiên, khi người dân mua bảo hiểm đối với xe mô tô, xe gắn máy gặp tai nạn xảy ra thì đơn vị (công ty) bán bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy lại không có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người dân và trốn tránh trách nhiệm bồi thường cho người dân khi có vụ việc xảy ra.
Do vậy, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét bỏ quy định xử phạt đối với người tham gia giao thông phải bắt buộc mua bảo hiểm tự nguyện cho xe mô tô, xe gắn máy vì nếu không mua thì bị Cảnh sát giao thông xử phạt, còn khi mua bảo hiểm mà có rủi ro xảy ra thì người có quyền lợi không được bồi thường thỏa đáng, đơn vị (công ty) bán bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy lợi dụng vụ việc để trục lợi.
Chia sẽ thông tin từ: VTV ( https://vtv.vn/kinh-te/bao-hiem-xe-may-nen-bat-buoc-hay-de-tu-nguyen-20231106123914055.htm )