Thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM ngày 8-6, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đề nghị bổ sung bốn cơ chế để TP bứt phá hơn nữa.
Cụ thể, để rút ngắn được thời gian thực hiện vốn đầu tư công hiện nay, ông đề nghị Quốc hội giao cho HĐND TP quy định trình tự, thủ tục thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, ông đề xuất Quốc hội giao cho HĐND TP.HCM ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn, để đón những doanh nghiệp lớn.
“Như chúng ta thấy các doanh nghiệp lớn khi lựa chọn đầu tư vào, họ thường đưa ra các điều kiện đi kèm. Do vậy, nếu chúng ta thực hiện cơ chế, chính sách chung thì rất khó để cho TP.HCM đón được những doanh nghiệp lớn”, ông Minh nói.
Ông đề xuất giao cho TP.HCM ban hành quy định về tuyển dụng, trả lương công chức gắn với tăng thu ngân sách, vì con người là gốc của mọi vấn đề.
Nếu có cơ chế, chính sách tuyển dụng, trả lương đúng thì mới có con người “vừa hồng, vừa chuyên” để phục vụ cho TP phát triển.
Về cơ chế lắp điện mặt trời trên mái nhà ở cơ quan công sở như dự thảo, ông Minh đề nghị giao cho UBND TP.HCM tính toán lắp đặt cân đối nhu cầu trên toàn TP.
Ông nói không chỉ có trên mái nhà các cơ quan, công sở mà còn có nhiều mái nhà các doanh nghiệp như trung tâm thương mại, siêu thị rất lớn và họ đang dùng giá điện kinh doanh tới trên 3.000 đồng/kW điện.
“Do vậy, đề nghị giao cho TP.HCM tính toán và tự cho phép các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn tự lắp, tự dùng và có thể chuyển Điện lực TP.HCM về cho TP.HCM quản lý để giảm bớt độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, ông Minh đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) đề xuất chín chính sách có thể xem xét thông qua trong dự thảo nghị quyết để phát triển TP.HCM.
Trong đó, cho phép HĐND TP theo thẩm quyền sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dưới 500ha theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với đó, cho phép dự án BT đã được ký theo đúng luật trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực mà chưa hoàn thành thanh toán thì được thanh toán qua sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý theo quy định.
Đối với diện tích đất lấn biển thì cho phép TP thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Cho phép TP đẩy nhanh tiến độ hơn nữa bằng cách cho thực hiện đo đạc, khảo sát các diện tích đất song song, đồng thời trước khi có thông báo thu hồi đất.
Ông cũng đề nghị với nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ thu hồi năng lượng, TP được phép quyết định bổ sung khối lượng rác thải theo hình thức đặt hàng để đáp ứng các nhu cầu về môi trường.
Nghiên cứu xây luật về phát triển TP.HCM
Trước đó, đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ thống nhất với hai nhóm chính sách và 44 nội dung cụ thể được nêu trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội đối với TP.HCM.
Tuy nhiên, ông đang “loay hoay muốn tìm” trong 44 nội dung đó đâu là một cơ chế mang tính chất đột phá, cơ chế nào là chính hay chủ yếu tháo gỡ những vướng mắc hiện tại.
“Tháo vài ba cái chốt đó chắc chắn TP.HCM sẽ bứt phá như ngòi kích nổ để cho TP vươn lên đúng tầm và vị thế của TP”, ông Hạ nói.
Ông cũng đề xuất có thể nghiên cứu hướng tới xây dựng một luật về phát triển TP.HCM.
Chia sẽ thông tin từ: báo Tuổi Trẻ