20 ngày, gần 42 nghìn ca bệnh đầu mắt đỏ
Sau lễ khai giảng vài ngày, con trai lớn đang học lớp 7 của chị Hồ Thị Xuyến (TP Tam Kỳ) có triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) như: Mắt hơi đỏ, mí mắt sưng húp, chảy ghèn và rủ xuống.
“Con tôi kể có tiếp xúc với bạn cùng lớp bị đau mắt đỏ ở trường. Dù đã chủ động phòng ngừa nhưng khoảng 1 tuần sau, 4 người còn lại trong gia đình tôi (gồm vợ chồng và 2 con nhỏ) cũng lần lượt đau mắt đỏ. Trong đó, 3 con tôi phải nghỉ học để tránh lây lan dịch” – chị Xuyến cho biết.
Sở Y tế Quảng Nam thống kê từ ngày 1.9 – 20.9, toàn tỉnh có khoảng 41.800 ca bệnh đau mắt đỏ, trong đó 12.800 ca tới khám và điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh. Bệnh nhân chủ yếu là học sinh.
Theo khảo sát của phóng viên Lao Động, các loại thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả hiện không còn tại các cơ sở y tế công lập Quảng Nam. Trong khi đó, tại các nhà thuốc tư nhân, thuốc nhỏ mắt cũng trong tình trạng khan hiếm.
Đại diện bệnh viện Mắt Quảng Nam lý giải, hiện kết quả đấu thầu thuốc cho năm 2023 vẫn chưa có, trong khi thuốc dự phòng của năm 2022 bệnh viện đã dùng hết.
Người dân khi đến khám tại bệnh viện Mắt được chẩn đoán đau mắt đỏ do vi-rút, cũng phải tự mua thuốc bên ngoài theo đơn của bác sĩ để điều trị.
Tránh nguy cơ dịch chồng dịch
Những ngày qua, tại thành phố Tam Kỳ ghi nhận hơn 1.000 ca đau mắt đỏ mỗi ngày. Trong vòng 1 tuần, từ ngày 12 – 19.9, đã có 7.589 trẻ ở các trường mầm non, tiểu học, THCS bị đau mắt đỏ.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Tam Kỳ cho biết, thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển và bùng phát thành dịch.
Cùng với đó, dịch sốt xuất huyết cũng đang bùng phát ở một số địa phương, trong 9 tháng đầu năm 2023, Tam Kỳ đã ghi nhận 167 ca mắc sốt xuất huyết, đã xử lý 2 ổ dịch tại phường An Phú và phường Tân Thạnh.
Ông Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước tình hình bệnh đau mắt đỏ tiếp tục có chiều hướng gia tăng, Sở đã đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra đột xuất cơ sở bán lẻ thuốc, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp tăng giá bán thuốc (nhất là thuốc nhỏ mắt), các cơ sở quảng cáo điều trị không đúng chuyên môn, không để ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời 100% ổ dịch đau mắt đỏ, dịch sốt xuất huyết, khẩn trương ban hành hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng… Đặc biệt, hạn chế nguy cơ dịch chồng dịch.
Chia sẽ thông tin từ: Báo Lao Động ( https://laodong.vn/y-te/quang-nam-thanh-tra-cac-hieu-thuoc-loi-dung-dich-dau-mat-do-de-tang-gia-1245526.ldo )