Sự việc anh Nguyễn Ngọc Mạnh, “người hùng” cứu sống một bé gái rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội, đang trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông trong nước. Đặc biệt, sự dũng cảm của anh Mạnh đã lan tỏa đến nhiều nơi trên thế giới, được các trang tin, mạng xã hội nước ngoài đăng tải.
Vào khoảng 16 giờ (giờ địa phương), trên trang Weibo chính thức của báo Hải Khách thuộc Nhật Báo Nhân Dân (Trung Quốc) đã đưa tin về vụ việc bé gái 3 tuổi thoát chết thần kỳ khi rơi từ tầng 12 nhờ sự dũng cảm của một người đàn ông ra tay cứu giúp. Tiêu đề của bài đăng có ghi: “Bé gái 3 tuổi đang nắm lấy lan can rơi nhanh từ tầng 12, điều kỳ diệu đã xảy ra trước khi đáp đất“.
Sau khi sự việc được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của dân mạng. Một số bình luận đã chia sẻ cảm xúc thở phào nhẹ nhõm khi bé gái được cứu một cách ngoạn mục. Mặt khác có bình luận cảm tạ sự dũng cảm của anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người hùng đời thực đã cứu đứa bé. Bình luận này có ghi: “Rất may người cứu đứa bé không bị gãy tay“. Bên cạnh đó, cũng có bình luận như muốn nhắc nhở bố mẹ đứa bé rằng lần sau sẽ không may mắn như thế đâu.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi từ hôm qua đến nay, các thánh soi video cho rằng anh Mạnh không hề đỡ trúng em bé. Nếu xem kĩ video, có thể thấy em bé vẫn bị giật lên trên mái tôn, sau đó mới được anh ẵm lên tay. CĐM ngay lập tức lao vào tranh cãi kịch liệt, có ý kiến cho rằng việc anh đỡ được bé tuy không hoàn toàn nhấc bổng hay ẵm trọn bé vào lòng, thì việc đó đã giúp cản cho bé rất nhiều lực khi va đập xuống bên dưới. Đó chính là lí do mà bé không bị chấn thương sọ não hoặc nguy hiểm hơn là mất mạng.
CĐM đưa ra hàng loạt những dẫn chứng khoa học thuyết phục để bảo vệ cho người hùng Nguyễn Trọng Mạnh:
Lý giải về hiện tượng này, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Thành Nam, giảng viên bộ môn Vật lý, Khoa Hóa – Lý Kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự trình bày cụ thể như sau:
“Bé rơi từ sàn tầng 12, vị anh hùng đỡ ở trần tầng 1, vậy độ cao rơi tự do là 10 tầng, h = 30m.
Với gia tốc rơi tự do g = 9,8 m/s2, bỏ qua sức cản không khí, ta tính được gần đúng tốc độ của bé ngay trước khi được đỡ:
v = căn (2gh) = căn (2.9,8.30) = 24 m/s = 87 km/h, bằng tốc độ ô tô đi trên đường nhựa ngoài đô thị.
Khối lượng trung bình của bé 2 tuổi vào khoảng 13 kg, vậy động lượng ngay trước khi va chạm là: p = mv = 13.24 = 312 Ns.
Gọi t là quãng thời gian xảy ra va chạm, tức là từ thời điểm hai người chạm nhau cho đến khi dừng hẳn thì động lượng sẽ tăng thêm một lượng nữa là: p’ = mgt.
Lực tác dụng lên người đỡ cũng bằng phản lực tác dụng vào em bé có độ lớn phụ thuộc vào quãng thời gian t tính từ khi chạm vào bé đến khi dừng hẳn, ta có lực trung bình mà vị anh hùng và em bé phải chịu là:
F = (p+p’)/t = p/t + mg
Chính nhờ mái tôn sập xuống làm kéo dài thời gian va chạm so với bình thường nên t dài ra, và do đó làm giảm lực, tức là làm giảm độ nguy hiểm của cú rơi.
Giả sử thời gian va chạm là t = 0,2 s thì lực trung bình là:
F = 312/0,2 + 127 = 1687 N, tương đương khoảng 169 kg.
Nhìn chung, nếu kéo dài thời gian va chạm ra gấp đôi thì lực giảm còn khoảng một nửa, do đó kỹ thuật đỡ và vai trò của mái tôn là vô cùng quan trọng. Ngay cả khi người đỡ đúng tư thế, nhưng nếu đỡ bé khi đang đứng trên sân bê tông thì sẽ nguy hiểm hơn gấp nhiều lần.
Mọi người cần lưu ý, thông số quyết định lớn nhất đến độ nguy hiểm của cú rơi chính là thời gian va chạm t, chứ không phải là độ cao. Chỉ cần t giảm xuống một tí thì từ an toàn chuyển thành chết ngay lập tức.
Cho nên may là chính !”
Ngoài ra thầy Nguyễn Thành Nam còn chia sẻ thêm mọi tính toán trong bài chỉ là ước tính, đã bỏ qua phần xung lượng do trọng lực tích lũy trong thời gian chuyển động xuống, và bỏ qua các thứ như sức cản. Chúng ta cũng coi va chạm chỉ một lần duy nhất chứ không xảy ra thành nhiều đợt và lực tương tác không đổi trong suốt thời gian va chạm. Tính toán trong bài này chỉ là cái cớ để nói về tư duy vật lý, về vai trò của thời gian va chạm đối với lực tương tác mà thôi. Thực tế không tính được do va chạm diễn ra thành nhiều đợt, thời gian tương tác không thể biết và nhiều yếu tố phức tạp khác nữa.
Cũng trong ngày hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư khen ngợi anh Nguyễn Ngọc Mạnh – người hùng cứu bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Thư của Thủ tướng ghi rõ: “Tôi rất xúc động được biết tin, trong ngày 28/2/2021, em Nguyễn Ngọc Mạnh đã nhanh trí, dũng cảm và kịp thời cứu được cháu bé bị ngã từ tầng 12. Thủ tướng Chính phủ gửi lời khen ngợi và biểu dương hành động dũng cảm, tinh thần trách nhiệm của em Nguyễn Ngọc Mạnh”.