Hoài Linh như được sống với chính mình khi giã từ sân khấu, vui thú điền viên.
Đệ nhất danh hài diện bà ba, quấn khăn rằn và mang dép lê, vui vẻ khi đi thăm ruộng. Anh còn đọc “khẩu khuyết” của dân gian về trồng trọt: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, rồi tự nhận mình là nông dân chính hiệu.
Có vẻ như sau khi rút khỏi các hoạt động giải trí, vui thú điền viên, Hoài Linh như được là chính mình. Theo nhận xét của cư dân mạng, ngôi sao kỳ cựu “có da có thịt” hơn hẳn, hoàn toàn khác với vẻ “cò hương” trước đó.
Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, Hoài Linh được khán giả ưu ái nhắc đến với danh xưng “Ông hoàng quyền lực” của làng giải trí Việt. Hai năm trở lại đây, nam nghệ sĩ dần rút khỏi guồng quay công việc để chuyên tâm chăm sóc và quản lí nhà thờ Tổ. Hoài Linh trồng rau, chăm sóc vườn tược trong nhà thờ Tổ và thích thú khi nói về cuộc sống của mình.
Cách đây vài ngày, Hoài Linh tái xuất bên Dương Triệu Vũ và Đàm Vĩnh Hưng trong đêm nhạc gây quỹ hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch COVID-19. Bài thơ Quảng Nam do ông sáng tác đã đấu giá được 700 triệu đồng.
Nguyên văn bài thơ giá 700 triệu đồng của Hoài Linh
Bài thơ nói về Quảng Nam của danh hài Hoài Linh được một mạnh thường quân trả mua với giá rất cao, 700 triệu đồng trong đêm nhạc tri ân tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19.
Nghệ sĩ hài Hoài Linh trong đêm nhạc cảm ơn đội ngũ phòng chống dịch COVID-19 do Đàm Vĩnh Hưng tổ chức.
Trên sân khấu, nghệ sĩ Hoài Linh mặc bộ đồ bà ba màu nâu nhạt, đi đôi dép lê đã cũ mòn nhưng vẫn chiếm trọn tình cảm của khán giả với giọng đọc truyền cảm, xúc động:
“Tôi không sinh ra trên mảnh đất quê cha
Lại sống bôn ba nơi quê người đất khách
Nhưng dòng máu Quảng đang chảy trong huyết mạch
Giọng nói tiếng cười vẫn đậm chất quê hương…”.
Có lẽ chính ngôn từ mộc mạc, dung dị của bài thơ Quảng Nam đã làm lay động đến nơi sâu kín nhất trong tâm hồn mỗi người con đất Việt. Tinh thần của bài thơ đã làm ấm lòng những người dân và đội ngũ y bác sĩ đang căng mình chiến đấu với dịch bệnh. Đây là yếu tố khiến tác phẩm của Hoài Linh trở nên có giá trị nhất khi được đấu giá trong đêm nhạc.
Nhiều khán giả xem trực tiếp đêm nhạc đã không khỏi rưng rưng nước mắt khi nghe Hoài Linh đọc bài thơ này. Sau phần trình bày xúc động, Hoài Linh đưa lên sân khấu bức tranh, trong đó có bài thơ được viết thư pháp trau chuốt để đấu giá, gửi tặng đến tuyến đầu chống đại dịch. Vật phẩm này được định mức giá khởi điểm 100 triệu đồng và thuộc về một doanh nhân trả giá cao nhất 700 triệu đồng. Vị mạnh thường quân này cũng khẳng định, anh sẽ nhường lại bức tranh cho ai đưa ra giá cao hơn nhưng vẫn gửi 500 triệu đồng để ủng hộ chương trình để chung tay cùng đồng bào và đội ngũ y bác sĩ chống dịch.
Hoài Linh vốn là nghệ sĩ hài lừng danh của sân khấu Việt với khả năng hoạt ngôn và biểu cảm vô cùng hài hước. Trước đó, nam danh hài đã nhiều lần trổ tài làm thơ ứng khẩu trên sân khấu hay gửi tặng người hâm mộ. Tuy nhiên, hầu hết những bài thơ này đều khá dí dỏm, mang lại tiếng cười, sự giải trí cho mọi người.
Quảng Nam là bài thơ hiếm hoi thể hiện được hết tình cảm, tấm lòng của một người con nặng lòng với xứ Quảng, dù đi khắp năm châu vẫn luôn hướng về quê cha đất tổ.
TUỔI TRẺ CƯỜI ONLINE xin trích đăng nguyên văn bài thơ Quảng Nam của nghệ sĩ hài Hoài Linh:
Tôi không sinh ra trên mảnh đất quê cha
Lại sống bôn ba nơi quê người đất khách
Nhưng dòng máu Quảng đang chảy trong huyết mạch
Giọng nói tiếng cười vẫn đậm chất quê hương
Quảng Nam quê tôi những địa danh những cung đường
Tôi đã đến và qua lời bà kể lại
Lời ru của mẹ tôi vẫn còn đọng mãi
Về những anh tài của xứ Quảng địa linh
Những người con Quảng Nam chân chất nặng tình
Đã chứng minh qua biết bao thế hệ
Với khí chất ấy dù khó khăn chẳng ngại
Những biến thiên dù gian khó vẫn vượt qua
Trong bão trong giông trong gió giật mưa sa
Người con xứ Quảng vẫn kiên cường chống chọi
Những ánh đuốc tiền nhân trong đêm mờ chiếu rọi
Soi đường cho cháu con giữ nguồn sáng trong tâm
Truyền cho cháu con giữ chữ nghĩa chữ ân
Truyền bao dung truyền tấm lòng luôn rộng mở
Có lo lắng có nghĩ suy dập dồn trong hơi thở
Những cơn nắng cháy người những trận lũ lụt thất kinh
Những bão những giông những cây cối oằn mình
Nhưng vẫn hiên ngang vững vàng như người con xứ Quảng
Những cánh tay siết chặt nhau lúc khó khăn hoạn nạn
Những nước mắt nụ cười những lúc phế lúc hưng
Hỏi vì răng lúc ngặt nghèo người Quảng lại chung lưng
Bởi thổ nhưỡng quê tôi núi ôm như vòng tay của mẹ
Truyền hơi thở ấm nồng để ấp ủ đàn con
Những dòng sông như những dòng sữa ngọt thơm
Chia sẻ muôn nơi để nuôi dưỡng người con đất Quảng
Biển cả mênh mông nhưng lòng cha lai láng
Vuốt ve con mình bằng những cơn sóng dịu êm
Nhưng tập cho con bước qua lúc gập ghềnh
Lúc sóng lớn nhồi mạn thuyền chao đảo
Quê tôi đó những tấm lòng luôn thơm thảo
Những người con trên khắp mọi nẻo đường
Dẫu có nghèo vẫn đau đáu quê hương
Hướng về Quảng Nam với cả nghĩa tình sâu nặng
Góp sức chung tay để cùng lo cho đặng
Dịch họa thiên tai bệnh tật được đẩy lùi
Để mảnh đất Quảng Nam mãi mãi nở nụ cười
Để người con Quảng Nam tự hào về nhân nghĩa”.
Chia sẽ thông tin từ: Báo Tuổi Trẻ Cười