Đồng phục đắt nhưng… xấu
Anh Nguyễn Quốc (37 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tại trường tiểu học con gái theo học, phụ huynh mua đồng phục từ giữa kỳ nghỉ hè. Anh phải chi gần 1 triệu đồng để mua đồng phục in logo trường, bao gồm bộ áo sơ mi, quần âu và đồ thể dục… số tiền bỏ ra không nhỏ, nhưng chất lượng đồng phục nhận về không được như kỳ vọng, thua áo mua vài chục ngoài chợ.
“Áo sơ mi trắng có in logo trường nên tôi bắt buộc phải mua, không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, quần và đồ thể dục quá bí, chất liệu giống như ni lông, khó thoát hơi. Tôi không thích đồng phục mua sẵn ở trường vì vừa đắt vừa xấu”, anh Quốc cho biết.
Sau mỗi buổi học thể dục, vì mặc đồ không thấm hút mồ hôi nên người con gái anh “có mùi lạ”. Nhiều lần cô bé thắc mắc với bố mẹ về chuyện này, vợ chồng anh Quốc cũng đành động viên con “đồng phục chỉ cần mặc ở trường, con chịu khó chút”.
Chị Thanh Nga (39 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), có hai con học cấp 2, bày tỏ ngán ngẩm với chất lượng của các loại đồng phục ở trường. Đa số quần áo đều không thấm hút mồ hôi, thậm chí khi giặt bị phai màu rất nhiều, chất vải nóng bức lại nhanh xù.
“Đồng phục chất lượng kém mặc một năm là nát tươm, năm sau lại phải mua cái mới. Đầu năm nhiều chi phí, phụ huynh phải chạy vạy để nộp sớm cho con, thêm một khoản là thêm gánh nặng”, chị than thở.
Trước khi vào năm học mới, nhà trường sẽ gửi danh sách các loại quần áo đồng phục kèm giá tiền để phụ huynh cân nhắc số lượng. Căn cứ vào điều kiện và nhu cầu thực tế, phụ huynh sẽ đăng ký các món đồ cần mua. “Tôi chỉ mua cho con mỗi loại một món cho đủ bộ. Con tôi cũng không thích mặc quần áo do trường may, thường hay kêu khó chịu”, chị Nga nói..
Phụ huynh này bày tỏ mong muốn chất lượng đồng phục sẽ được cải thiện vì con mặc đồng phục cả tuần. Đồng phục thể dục cần may loại vải mát, mềm mại, co giãn, tuy nhiên thực tế lại là vải nóng, bí. Chị buộc phải mua thêm đồ từ cửa hàng bên ngoài cho con sử dụng.
Học sinh ám ảnh chuyện mặc đồng phục
Không chỉ phụ huynh ngán ngẩm trước chất lượng đồng phục không tương xứng với giá thành mà học sinh cũng ám ảnh khi phải mặc đồng phục vừa bí vừa nóng suốt cả tuần. Nhớ lại thời học sinh, em Nguyễn Hải Yến (18 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết ám ảnh với đồng phục, đặc biệt là vào mùa hè.
“Áo sơ mi dài tay, đồ thể dục và áo khoác mùa đông. Vào các buổi học chính khóa, học sinh buộc phải mặc đồng phục theo mùa”, nữ sinh nói. Mùa hè, bất kể nhiệt độ “nóng như đổ lửa”, học sinh vẫn phải mặc sơ mi trắng dài tay với quần âu sẫm màu.
Nếu mặc đồng phục không đúng quy định thì học sinh sẽ bị nhắc nhở và trừ điểm. Đa số các em rất sợ điều này vì dẫn đến lớp mất điểm thi đua và tụt thứ tự trên bảng xếp hạng toàn trường. Trời nắng nóng, lúc nào cũng phải mặc áo dài tay kèm quần âu với nhiều em không khác gì tra tấn. “Đồng phục hè nóng, mùa đông lại rét vì áo chất vải sợi tổng hợp, pha nhiều ni lông khá mỏng, không có tác dụng giữ nhiệt”, Yến nhớ lại.
Tương tự, Mai Anh (học sinh lớp 12 tại Ninh Bình) cũng cảm thấy không thoải mái với đồng phục. Năm học cuối cấp nên Mai Anh xác định sẽ phải học với thời gian dày đặc. Mới đầu năm nhưng hầu như ngày nào em cũng ra khỏi nhà từ sáng và đến tối mịt mới trở về.
“Trường cách nhà em khá xa nên buổi trưa em thường ở lại. Điều này đồng nghĩa với việc phải mặc đồng phục cả ngày”, Mai Anh nói và cho biết do cơ địa đổ nhiều mồ hôi nên rất bức bí khi áo dài tay không thoát được mồ hồi. Những ngày nắng oi, em về nhà với bộ dạng ướt đẫm cả lưng áo. Mặc áo bí nên lưng em còn nổi đầy mụn khiến em rất tự ti.
Bán đồng phục, ai được hưởng lợi?
Chị Trịnh Trà My (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) chỉ dám đặt mua mỗi mùa một bộ đồng phục ở trường tiểu học của con vì còn phải “gánh” cả những khoản phí khác.
Chị đăng ký mua áo sơ mi, quần âu, đồng phục mùa thu với giá 210.000 đồng/ bộ, còn áo khoác mùa đông là 250.000 đồng. Tổng số tiền chị phải bỏ ra là 750.000 đồng. Không chỉ mỗi tiền đồng phục mà chị còn đau đầu vì những khoản phải nộp khác như xã hội hóa, quỹ phụ huynh, tiền sách vở, dụng cụ học tập, học thêm.
Số tiền phụ huynh này phải chuẩn bị cho năm học mới của con lên đến chục triệu đồng. “Tôi mua thêm đồng phục từ cửa hàng bên ngoài trường, giá mềm hơn để tiết kiệm một khoản. Thời buổi vật giá leo thang, được đồng nào hay đồng đấy”, chị kể.
Theo lời giới thiệu của chị My, phóng viên liên hệ với chủ một cơ sở sản xuất ở huyện Thanh Trì hỏi giá đồng phục và bất ngờ khi giá ở đây rẻ hơn từ 40 – 100.000 đồng/ sản phẩm so với mua ở trường.
Tại đây, đồng phục mùa hè và mùa thu có giá 170.000/ bộ (trường bán 210.000 đồng/ bộ), áo khóa mùa đông bán 150.000 đồng/bộ (trường bán 250.000 đồng). Người này cam kết “chất vải đẹp, con mặc thoải mái” và cho biết thêm, nhiều phụ huynh mua theo nhóm, đặt số lượng lớn để có mức giá tốt.
Chị T.L, làm việc tại một cơ sở chuyên sản xuất đồng phục ở Hà Nội cũng tiết lộ, những đơn đặt hàng theo yêu cầu của trường, với số lượng hàng lớn sẽ được giảm từ 10 – 15% so với giá bán lẻ thông thường. Chẳng hạn, một chiếc áo đồng phục bán lẻ có giá khoảng 120.000 đồng, nhà trường mua số lượng lớn chỉ với 100.000 đồng.
“Đặt hàng số lượng lớn rẻ hơn nhiều, chưa kể người môi giới đứng ra đặt hàng cũng sẽ được trích tiền hoa hồng, mức bao nhiêu thì tùy theo số lượng, chất vải”, chị kể.
Theo khảo sát, một số kênh bán hàng online bán quần thể dục cho học sinh tiểu học chỉ từ 30 đến 50.000 đồng/ chiếc, tùy loại. Như vậy, phụ huynh mua cả bộ thể dục chưa đến 100.000 đồng. Trong khi đó, tại nhiều trường, bộ đồ thể dục có giá khoảng 150.000 đồng.
Tương tự, áo sơ mi có giá dao động từ 80.000 đồng/ chiếc, quần âu 150.000 nghìn/ chiếc. Học sinh mua sẵn ở trường bộ sơ mi, quần tây thường có giá từ 250 – 300.000 đồng.
Liên quan đến câu chuyện đồng phục học sinh, thầy Nguyễn Văn Quý, giáo viên tại một trường THCS ở Hà Tĩnh đặt câu hỏi liệu học sinh có nhất thiết phải mặc đồng phục đến trường không.
“Một bộ đồng phục không có tác động quá tích cực đến quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh”, thầy Quý nói. Khi học sinh được tự do lựa chọn trang phục đến trường, các em sẽ có tâm lý thoải mái, tạo hứng thú trong việc học hành. Tuy nhiên, tự do ở đây không có nghĩa là muốn mặc thế nào thì mặc mà cần phù hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh học đường.
Ở đơn vị thầy Quý đang công tác, nhà trường quy định học sinh mặc đồng phục 2 buổi/ tuần. Những ngày còn lại, học sinh tự lựa chọn trang phục phù hợp. “Tôi nhận thấy học sinh rất vui vẻ, thoải mái khi được mặc đồ yêu thích, trong khuôn khổ cho phép. Các trường cần có sự nhìn nhận thực tế về câu chuyện đồng phục học sinh để có sự điều chỉnh cho phù hợp”, nam giáo viên nói.
Chia sẽ thông tin từ: báo VTC ( https://vtc.vn/dong-phuc-hoc-sinh-gia-nua-trieu-mot-bo-phu-huynh-noi-thua-ao-vai-chuc-o-cho-ar819615.html )