Dự thảo Luật Căn cước (sửa đổi) hôm 25/10 được Quốc hội thảo luận và dự kiến biểu quyết để thông qua vào ngày 27/11.
Bộ Công an giải thích việc đổi tên thành căn cước để phù hợp với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân trên thế giới. Nội dung “quê quán” có tính chính xác thấp hơn nên Bộ nhận thấy cần đổi thành nơi đăng ký khai sinh/nơi sinh. Việc đổi nơi thường trú thành nơi cư trú nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng việc thay đổi thông tin thể hiện trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng luật; bảo đảm không trùng lặp giữa các trường thông tin, thống nhất loại giấy tờ tùy thân phổ biến hiện nay.
Hiện nay nhiều loại giấy tờ cùng tồn tại như chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân mã vạch, thẻ căn cước công dân gắn chip. Bộ Công an khẳng định khi dự luật được thông qua, khẳng định quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng. Những thẻ căn cước công dân đã cấp tiếp tục có giá trị sử dụng đến thời hạn ghi trên thẻ, sau đó mới đổi sang thẻ căn cước. Mọi giấy tờ liên quan thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân đều có giá trị pháp lý như nhau.
Không chỉ tên thẻ, dự thảo luật còn đề xuất đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước. Bộ Công an giải thích hiện khoảng 40.000 người Việt Nam không có giấy tờ gì để chứng minh họ là ai nên gặp nhiều khó khăn. Bởi thế cần có hành lang pháp lý để họ được hưởng các quyền căn bản về lao động, học tập, khám chữa bệnh.
Từ đó, dự thảo đã đề xuất cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam (hiện nay chỉ cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam). Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước với người gốc Việt Nam, để thực hiện các giao dịch trên nước mình. Bởi mở rộng đối tượng như này nên dự thảo đề xuất đổi tên luật cho phù hợp.
Một trong những điểm mới của dự thảo là thông tin trên căn cước như vân tay, đặc điểm nhận dạng đã được thu thập vào cơ sở dữ liệu nên sẽ không in lên thẻ như hiện hành. Bộ Công an dự kiến in trên thẻ cứng 13 trường thông tin, hình ảnh. Tại mặt trước của thẻ, số căn cước công dân sẽ đổi thành mã số định danh cá nhân, là dãy 12 chữ số.
Ở mặt sau, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng. Họ tên, chức vụ, chữ ký của người cấp thẻ sẽ đổi ngắn gọn thành “nơi cấp: Bộ Công an”; bỏ chữ ký và tên người ký cấp thẻ là Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Lần đầu có căn cước công dân điện tử
Từ trước đến nay, chứng minh thư nhân dân hay căn cước công dân chỉ có duy nhất bản cứng. Tuy nhiên dự thảo Luật Căn cước đã lần đầu tiên nhắc đến căn cước điện tử.
Theo đó, căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID) tạo lập.
Điều 31 dự thảo nêu, mỗi công dân sẽ chỉ có một căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.
Trong căn cước điện tử sẽ có các thông tin cơ bản về căn cước và các thông tin được xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo đề nghị của công dân. Căn cước điện tử có giá trị sử dụng như thẻ căn cước, được xuất trình khi nhà chức trách yêu cầu mà không cần thẻ cứng.
Cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi
Dự thảo đề xuất cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, bao gồm cả nhóm dưới 6 tuổi. Đây là điểm mới khi luật hiện hành quy định công dân từ đủ 14 tuổi mới được cấp, sẽ làm độ tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân thay đổi theo, ở mốc: 14, 25, 40 và 60 tuổi. Quy định đang áp dụng là 25, 40 và 60 tuổi.
Với trẻ dưới 6 tuổi, nếu chưa đăng ký khai sinh sẽ thực hiện cấp thẻ căn cước khi đăng ký khai sinh. Trẻ đã đăng ký khai sinh thì cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục. Riêng với nhóm này, nhà chức trách sẽ không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học.
Nếu trẻ đủ 6 tuổi trở lên, cha mẹ hoặc người giám hộ phải đưa đến cơ quan quản lý để thu nhận ảnh khuôn mặt khi làm thủ tục cấp căn cước. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là theo nhu cầu chứ không bắt buộc.
Theo Bộ Công an, người dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước có thể sử dụng hoặc thông qua bố mẹ để sử dụng khi tiêm chủng, khám, chữa bệnh, giáo dục, đi lại,…
Thẻ căn cước công dân cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành vẫn sử dụng bình thường cho đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Nếu công dân yêu cầu sẽ được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng vẫn có giá trị đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.
Chia sẽ thông tin từ: báo Vnexpress ( https://vnexpress.net/de-xuat-doi-ten-the-can-cuoc-cong-dan-thanh-the-can-cuoc-4669027.html )