Mới đây, tham gia một chương trình nhằm kêu gọi vốn đầu tư, Ngô Thị Thảo (Hana Thảo), là người sáng lập và CEO của chuỗi tiệm kim hoàn đã trình bày ý tưởng kinh doanh của mình và thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng.
Nói về ý tưởng kinh doanh, Hana Thảo cho biết khi còn nhỏ cô thấy bà, mẹ và nhiều người xung quanh tích cóp từng đồng mua vàng để cất, gọi là phòng thân. Từ đó, cô nàng có ý tưởng muốn nhiều người có thể tích lũy vàng một cách dễ dàng hơn và chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 đã ra đời.
Theo Hana Thảo chia sẻ, mọi người sẽ tích lũy online từ 100.000 đồng và đến khi đủ tiền cho một chỉ vàng sẽ nhận hàng trực tiếp tại cửa hàng của chuỗi tiệm kim hoàn hoặc ở các cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc. Ứng dụng “mua vàng online” của Hana Thảo được thành lập từ năm 2020.
Khi được hỏi về quy định của Ngân hàng nhà nước liên quan đến giao dịch vàng trạng thái, Hana Thảo cho biết startup của cô kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, không phải vàng miếng và khách hàng tích lũy để mua theo hướng “đặt cọc”.
Trước mô hình kinh doanh độc lạ này, Shark Hưng đã bày tỏ sự lo ngại vì giá vàng thường xuyên biến động.
Ngoài ra, Hana Ngô cho biết thêm là nếu khách hàng mua đủ 1 chỉ sẽ được đổi ra đúng 1 chỉ dù mua 1 triệu đồng với giá vàng tại thời điểm đang ở mức 5,5 triệu đồng/lượng, ngày mai mua thêm 1 triệu đồng ở mức giá 6 triệu đồng/lượng. Việc cân đối dòng tiền và vàng vật chất là trách nhiệm thuộc về tiệm kim hoàn của Hana Thảo.
Điều này khiến Shark Hưng quan ngại rủi ro. “Anh mua vàng của em giá thời điểm này đang gần 70 triệu. 7 tháng sau anh mới nhận thì lúc ấy lên 100 triệu thì em không có tiền mua vàng vật chất trả cho anh”, Shark Hưng nghi ngờ.
Ngoài ra, các Shark cũng đặt câu hỏi nếu trong tình huống xấu nhất là “sập sàn”, phá sản thì chuỗi cửa hàng kim hoàn sẽ có trách nhiệm gì với người mua. Đáp lời, Hana Thảo cho biết hiện startup có lập dự phòng và “vấn đề nằm ở niềm tin”.
Mô hình tiềm ẩn nhiều rủi ro, cả 5 ‘”cá mập” từ chối
Trước thắc mắc của các Shark về việc đảm bảo trách nhiệm với người mua nếu chẳng may phá sản, Hana Ngô cho biết HanaGold hiện có cơ chế trích lập quỹ dự phòng như các ngân hàng. Cô cho rằng vấn đề này “nằm ở niềm tin”.
Tuy nhiên lời giải thích của nữ sáng lập không nhận được sự đồng tình từ các Shark. “Trong nguyên tắc về đầu tư đặc biệt là đầu tư tài chính thì cơ chế mới là quan trọng. Tất nhiên phải có niềm tin nhưng tin là tin về cơ chế, tức là không lừa đảo, không gian dối, chứ không phải tin vào một cá nhân nào cụ thể”, Shark Hưng phân tích.
Shark Hưng cũng nói thêm rằng việc giá vàng lên xuống sẽ ảnh hưởng quyết định của startup tại thời điểm bàn giao vàng cho khách, vì khi đó có thể mất cân đối với dòng tiền đã thu. Hơn nữa, cách thức nhượng quyền các tiệm vàng lại thêm một rủi ro trung gian khác khi startup giao vàng cho cửa hàng nhượng quyền rồi từ đó mới giao cho khách, trong khi tiền thì startup đã thu. Chính vì vậy, Shark Hưng từ chối đầu tư cho startup.
Tương tự Shark Hưng, Shark Liên và Shark Hùng Anh đồng loạt rút lui vì mô hình có độ rủi ro cao. Thậm chí Shark Hùng Anh còn nhiều lần nhấn mạnh điều này và khuyên startup nên xem lại mô hình của mình.
Trong khi đó, Shark Bình khẳng định mô hình nhượng quyền tiệm vàng 4.0 mà startup đưa ra là không khả thi. Shark cho rằng 4.0 hay công nghệ không phải là cây đũa thần và vẫn có những ngành kinh doanh không thay đổi được. Do không tin tưởng vào tương lai thành công của mô hình kinh doanh, “cá mập” đến từ NextTech nhanh chóng rút lui như 3 bạn cùng bể.
Là người chú trọng đến bức tranh tài chính, Shark Phú phân tích rằng startup bán vàng đã chuẩn bị 2 năm, triển khai 3 tháng mà doanh thu chỉ 1 tỷ đồng là một vấn đề.
Điều đó thể hiện rằng khách hàng chưa tin tưởng vào doanh nghiệp. “Không ai biết đến em, em bắt người ta đưa tiền trước cho em giữ xong em tuyên bố ‘tôi có bí quyết để tôi cân đối được, tôi dự phòng’… Ví dụ Ngân hàng Nhà nước trích lập tiền dự phòng, ngân hàng thương mại phải đưa cho Ngân hàng Nhà nước giữ thì mới có ý nghĩa dự phòng. Chứ tôi dự phòng trong két, mai tôi rút két ra thì đâu phải dự phòng”, Shark Phú phân tích và cũng quyết định không đầu tư.
Trước mô hình kinh doanh vàng 4.0 này, các Shark bày tỏ sự lo lắng và cho biết có nhiều rủi ro. Kết thúc, màn gọi vốn của Hana Thảo không được các Shark đồng ý rót vốn đầu tư.
Trên mạng xã hội, nhiều bình luận trái chiều về mô hình kinh doanh này được bàn tán rôm rả. Việc mua vàng cũng được coi là một trong những cách tích lũy, “đầu tư” nên mọi người cũng cần cân nhắc và tính toán để lựa chọn cách nào phù hợp nhất cũng như an toàn vì “đồng tiền đi liền khúc ruột”.
Tổng hợp