Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn và việc khám sức khỏe để phân loại đi học, làm việc và các công việc cần yêu cầu riêng về sức khỏe như: lái xe, lái máy bay, lái tàu hỏa và tàu biển… Ngày hết hạn nhận ý kiến đóng góp cho dự thảo là 4/9. Dự kiến thông tư này sẽ được ban hành năm 2024.
Dự thảo thông tư xây dựng tiêu chuẩn sức khỏe áp dụng đối với những người đi học, làm việc, sinh viên, lái xe, nhân viên đường sắt, nhân viên hàng không…
Tại dự thảo mới nhất được đăng tải lấy ý kiến trên website của Bộ Y tế và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Y tế đưa ra các tiêu chuẩn sức khỏe lái xe ô tô các hạng; nhân viên đường sắt; thuyền viên làm việc trên tàu biển; nhân viên hàng không (lái máy bay thương mại và tư nhân; tiếp viên hàng không; kiểm soát viên không lưu…).
Trong đó, dự thảo đưa quy định chung về sức khỏe với nhân viên hàng không: có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 18 và nhỏ hơn 30; chỉ số vòng ngực trung bình từ 50% trở lên so với chiều cao.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BMI của một người tính theo công thức: trọng lượng cơ thể (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét). Theo phân loại của WHO, người trưởng thành, trừ người có thai, nếu BMI từ 25-29,9 được xem là thừa cân, BMI từ 30 trở lên là béo phì.
TS Bùi Thanh Phúc, Phó trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá của Bệnh viện Việt Đức, cho biết theo phân loại với người châu Á, người có thể trọng bình thường (không phải mang thai) khi BMI ở mức từ 18,5 đến 23.
Nếu BMI trong khoảng 23 đến dưới 25 được xem là thừa cân; BMI từ 25-30 là béo phì độ 1; từ 30-35 là béo phì độ 2 và trên 35 là béo phì độ 3.
Ngoài các tiêu chí chung cho nhân viên hàng không nêu trên, với các nhóm nghề nghiệp cụ thể, dự thảo đưa ra tiêu chuẩn như: Người lái máy bay thương mại là nam giới cần có chiều cao từ 1,65m và cân nặng từ trên 52 kg; nữ cần cao từ 1,58m và cân nặng từ trên 50 kg.
Với tiếp viên hàng không, nam cần cao từ 1,62m trở lên, nặng từ 52 kg trở lên; nữ cần cao từ 1,58m và nặng từ 45 kg trở lên.
Như vậy, nếu quy định vòng ngực phải bằng từ 50% chiều cao cơ thể trở lên, điều đó có nghĩa:
– Nữ tiếp viên hàng không cần có số đo vòng 1 từ 79cm trở lên, đối với nam là 81cm.
– Nữ phi công cần có số đo vòng 1 từ 79cm trở lên, đối với nam là 82,5cm.
Các nhóm bệnh tật không đủ điều kiện lái xe
Dự thảo cũng đưa ra các tiêu chí với sức khỏe lái xe trong các chuyên ngành như thần kinh, mắt, hô hấp, tim mạch, nội tiết, cơ xương khớp…
Trong đó, người có một trong các tình trạng bệnh tật về tâm thần (rối loạn tâm thần cấp và mạn tính không điều khiển được hành vi…), mắt (rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây)… thì không đủ điều kiện sức khỏe lái xe hạng A1 (cấp cho người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích từ 50 cm³ đến dưới 175 cm³).
Người không đủ điều kiện sức khỏe lái xe hạng B1 (cấp cho người lái xe ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ, tính cả chỗ ngồi cho người lái xe; một số loại ô tô tải, ô tô dùng cho người khuyết tật, không cấp cho người hành nghề lái xe) nếu có một trong các tình trạng bệnh, tật về thần kinh như chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý…; mắt (rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh lá cây; Thị lực nhìn xa hai mắt dưới 5/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính)….)…
Người không đủ điều kiện sức khỏe lái xe hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E… nếu có một trong các vấn đề như: động kinh, liệt vận động 1 chi trở lên; tim mạch như huyết áp thấp (HA tối đa < 90 mmHg) kèm theo tiền sử có các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, buồn ngủ hoặc ngất xỉu..); cụt hoặc mất chức năng 2 ngón tay của 1 bàn tay trở lên hoặc cụt hoặc mất chức năng 1 bàn chân trở lên…
Chia sẽ thông tin từ: Vietnamnet ( https://vietnamnet.vn/bo-y-te-de-xuat-quy-dinh-so-do-vong-nguc-doi-voi-phi-cong-tiep-vien-2165314.html )